Chiều 8/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác Chính phủ thị sát tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng – hai trong số những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất do cơn bão số 3 gây ra để tìm hiểu tình hình thực tế thiệt hại và chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.
Thăm hỏi một số cơ sở kinh doanh ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh bị bão làm sập, ân cần hỏi thăm người dân Thủ tướng chia sẻ, mong các cơ sở sớm ổn định, khôi phục kinh doanh; sớm cùng bàn với chính quyền địa phương nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời.
Thăm hỏi công nhân vệ sinh môi trường, lực lượng Quân đội đang dọn dẹp vệ sinh ở các tuyến phố chính của thành phố Hạ Long, Thủ tướng yêu cầu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh huy động tối đa lực lượng quân đội, dân quân tự vệ tham gia dọn dẹp, vệ sinh môi trường, giúp khôi phục cuộc sống bình thường cho nhân dân; nếu cần huy động lực lượng các Quân khu I, II, III và IV hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại nặng do thiên tai.
Ân cần thăm hỏi người dân bị thiệt hại, sập nhà cửa do bão, Thủ tướng đề nghị bà con cần tích cực dọn dẹp vệ sinh môi trường, chính quyền địa phương xem xét các hình thức hỗ trợ phù hợp. Nói chuyện với đoàn viên thanh niên đang tham gia hỗ trợ, Thủ tướng đề nghị lực lượng thanh niên địa phương tích cực hỗ trợ, cùng với người dân sớm dọn dẹp, khôi phục cuộc sống ổn định.
Phát biểu ý kiến mở đầu buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi và chia sẻ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ chốt đến tỉnh Quảng Ninh, nhân dân địa phương bị thiệt hại về người và tài sản.
Qua thị sát thực tế, Thủ tướng đã được chứng kiến mức độ tàn phá nặng nề do cơn bão số 3, thiệt hại là rất lớn; do đó chúng ta cần bàn các giải pháp để sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống của người dân.
* Theo Tỉnh ủy Quảng Ninh, thiệt hại do bão số 3 trên địa bàn tỉnh tính đến 12 giờ ngày 8/9 như sau:
Thiệt hại về người: 4 người chết (Cẩm Phả: 1 người chết tại phường Cẩm Thạch; Hạ Long 3 người: 1 người tại phường Hà Trung, 1 người của Công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh, 1 người ở xã Vũ Oai) và có 157 người bị thương hiện đang được điều trị tại các cơ sở y tế. Đến trưa 8/9, đã tìm kiếm và cứu hộ thành công 27 người bị trôi dạt trên biển (trong đó 8 người thuộc Công ty Kho vận, 8 người của Tổng Công ty Đông Bắc, 11 người thuộc các đơn vị khác).
Về tài sản: theo thống kê bước đầu từ các địa phương có 19.582 nhà bị tốc mái; 21 phương tiện vận tải thủy, 23 tầu du lịch, 41 tầu cá các loại bị chìm, trôi dạt; 1.297 cột điện bị gẫy đổ; 70% cây xanh bị gẫy đổ, 2 trạm điện, 3 trạm viễn thông bị hư hỏng; có trên 1.000 ô lồng, bè nuôi hầu bị mất, cuốn trôi; 17.000m2 công trình nuôi trồng thủy sản bị tốc mái; 912 ha lúa bị đổ, ngập úng; 8.503ha rừng trồng bị ảnh hưởng.
Nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các địa phương bị hư hỏng; hầu như toàn bộ pano, biển quảng cáo bị gãy đổ; hệ thống thông tin, liên lạc toàn tỉnh bị ngắt kết nối không liên lạc được; mất điện trên diện rộng; tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thống kê cụ thể báo cáo Trung ương.
Sau khi nghe lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Quảng Ninh, một số cơ quan, đơn vị báo cáo về công tác khắc phục hậu quả bão số 3, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3; biểu dương tỉnh chấp hành chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống bão; cho biết, cường độ cơn bão này rất mạnh, do đó tỉnh cần rà soát lại tình hình thiệt hại về người và tài sản; hoan nghênh tỉnh vừa phòng, vừa chống và vừa khắc phục bão lũ. Thủ tướng cho rằng, hậu quả của bão còn kéo dài, cho nên cần vừa làm các công việc trước mắt và lâu dài
Thủ tướng hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trong phòng, chống thiên tai; cảm ơn người dân, doanh nghiệp đồng hành cấp uỷ, chính quyền, lực lượng chức năng trong khắc phục hậu quả bão số 3.
Về công việc sắp tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh sớm ổn định tình hình, mọi hoạt động phải đi vào bình thường; cứu chữa những người bị thương, bị nạn, tiếp tục tìm kiếm người vẫn còn mất tích; lo hậu sự người đã mất; chuẩn bị ứng phó hoàn lưu sau bão, do đó cần chuẩn bị phương tiện, vật tư; khuyến cáo người dân tránh xa chỗ nguy hiểm; bảo đảm các cháu học sinh phải được trở lại trường, bảo đảm an toàn; những người bệnh phải được cứu chữa.
Về giải pháp, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để khắc phục hậu quả gồm lực lượng vũ trang như quân đội, công an, thanh niên, phụ nữ, các đoàn thể chính trị-xã hội, Mặt trận Tổ quốc để làm các công việc như vệ sinh môi trường, dọn dẹp.
Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng huy động lực lượng quân đội ở tất cả các tỉnh, thành, địa phương gần nhất tham gia hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh môi trường, làm các công việc có thể làm được.
Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhanh chóng khôi phục lưới điện; các tập đoàn viễn thông phải khôi phục ngay hệ thống thông tin liên lạc; các ngân hàng có kế hoạch, nghiên cứu phương án hỗ trợ cho vay vốn, cơ cấu khoản vay cho người dân; các cơ quan thuế nghiên cứu chính sách miễn, giãn, hoãn thuế cho người dân; kiểm tra, rà soát đánh giá lại thiệt hại để đề xuất các chính sách hỗ trợ như cho vay ưu đãi. Bảo đảm giao thông thông suốt, khắc phục những đường giao thông ở vùng núi bị sạt lở, bảo đảm người dân được đi lại bình thường. Lãnh đạo các bộ, ngành hướng dẫn các ngành, địa phương, trong đó có Quảng Ninh, thí dụ giao địa phương chịu trách nhiệm đấu thầu, mua sắm trong điều kiện cấp bách, bảo đảm tuân thủ các quy định, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhân đây cần sửa một số quy định của pháp luật liên quan vấn đề này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số chính sách cho bà con nông dân nuôi trồng thủy sản. Bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị, an ninh, an toàn và an dân.
Liên quan việc mở rộng sản xuất, kinh doanh, địa phương phải chủ động để người dân ổn định ngay để bảo đảm sinh kế. Các cơ quan chức năng, tỉnh Quảng Ninh cần phân công công việc, triển khai ngay sau cuộc họp này.
Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số kiến nghị cụ thể của tỉnh Quảng Ninh, trong đó có vấn đề nâng cấp đê Hà Nam ở huyện Yên Hưng. Thủ tướng cũng hoan nghênh tinh thần tương thân tương ái, phát động phong trào nhân dân hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn vì thiệt hại do bão số 3.
Theo Thanh Giang – Ảnh: Trần Hải/Nhandan.vn
Link gốc: https://nhandan.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-thi-sat-chi-dao-khac-phuc-hau-qua-bao-so-3-o-quang-ninh-va-hai-phong-post829348.html
Chiều 8/9, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Sáng 8/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Hồ Đức Phớc đồng chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu Ủy ban nhân dân 26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa trở ra phía bắc.
Hôm nay 8/9, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Ðoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Liên bang Nga và đồng chủ trì Phiên họp lần thứ ba Ủy ban Hợp tác liên Nghị viện Việt Nam-Liên bang Nga, theo lời mời của Chủ tịch Duma Quốc gia, Quốc hội Liên bang, Liên bang Nga Vyacheslav Viktorovich Volodin và Chủ tịch Hội đồng Liên bang, Quốc hội Liên bang, Liên bang Nga Valentina Ivanovna Matviyenko.
22h ngày 7/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp giao ban thứ 4 trong ngày của Sở Chỉ huy tiền phương phòng, chống bão số 3, nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo về công tác thống kê thiệt hại, triển khai biện pháp khắc phục hậu quả sau bão tại các địa phương.
(Xây dựng) – Tình hình kinh tế – xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2024 của nước ta tiếp tục đà phục hồi, đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, góp phần củng cố nền tảng để chúng đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu đề ra cho năm 2024.
(Xây dựng) – Sáng 7/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ huy công tác phòng, chống cơn bão số 3 tại Bộ Chỉ huy tiền phương đặt tại Hải Phòng.
Sáng 7/9, sau khi kiểm tra công tác dự báo bão số 3 tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã họp tại Sở Chỉ huy tiền phương phòng, chống bão số 3, nghe báo cáo tình hình ứng phó với bão số 3 tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình.
(Xây dựng) – Đây là nhận định của các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB và OECD. Các tổ chức quốc tế cũng tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Thông tin này được đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.
(Xây dựng) – Ngày 6/9, Bộ Xây dựng tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập sửa đổi Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về xây dựng (Nghị định 16/2022/NĐ-CP). Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, Trưởng Ban soạn thảo chủ trì cuộc họp.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ dự Phiên họp tập trung đánh giá trên tinh thần “không tô hồng, không bôi đen; tạo khí thế phấn khởi, củng cố niềm tin của nhân dân doanh nghiệp, nhà đầu tư.”
(Xây dựng) – Đêm 6/9, bão số 3 đã đi vào Vịnh Bắc Bộ, ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ gây gió mạnh, mưa lớn, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ quét ở trung du và miền núi. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 88/CĐ-TTg ngày 6/9/2024 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Tin bài cuối cùng
Không còn dữ liệu để load