Ghi nhận tại thị trường bất động sản Bắc Vân Phong, một số lô đất đã được nhà đầu tư bán tháo với mức giá chỉ bằng 60% so với năm 2018. Bên cạnh động thái bán tháo, nhiều nhà đầu tư khác đang tranh thủ gom hàng để chuẩn bị cho sóng địa ốc mới.
Những lô đất trải dài, rộng mênh mông, không ha tầng đã nhanh chóng được thu gom và chuyển nhượng lại với tốc độ quá nhanh, chỉ trong ít ngày, ít tháng. Chưa bao giờ, chưa khi nào, giá đất Bắc Vân Phong lại được “thổi” và nâng lên với tốc độ và mức độ nhanh và cao như vậy.
Còn nhớ khi đó, một số lô đất ven biển đều bị mua sạch với mức giá cao gấp 10 lần so với trước đó. Trước tốc độ tăng giá quá mạnh và những giao dịch bán đất trên giấy, tháng 5-2018, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có lệnh cấm giao dịch khiến giá đất ở Vạn Ninh giảm mạnh nhằm hạ “sốt”. Ngay sau khi có thông tin dừng quy hoạch đặc khu Bắc Vân Phong, thị trường bất động sản nơi đây lại tiếp tục rơi vào đợt thoái trào về giá. Lượng giao dịch sụt giảm mạnh. Nhiều văn phòng môi giới rơi vào tình cảnh “đóng cửa” im lìm.
Phải đến đầu năm 2021, “ăn theo” cơn sốt đất cục bộ tại nhiều địa phương, thị trường Bắc Vân Phong rục rịch sôi động trở lại. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu đi “săn hàng” để tìm kiếm cơ hội mới. Đặc biệt, trên thị trường Bắc Vân Phong còn diễn ra động thái bán tháo từ một số nhà đầu tư đang khó cầm cự vì tồn vốn lớn.
Ông Lê Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản tại Gia Lâm (Hà Nội), một nhà đầu tư hơn 10 năm kinh nghiệm cho biết, cách đây ít tháng, nhiều văn phòng môi giới tại Bắc Vân Phong đã mở lại. Các thương vụ giao dịch của văn phòng môi giới vào thời điểm trước dịch dao động từ 5-7 giao dịch. Nhiều nhà đầu tư từ các tỉnh thành về đây tìm hàng.
“Thị trường bất động sản Bắc Vân Phong đang diễn biến với nhiều xu hướng. Một bộ phận nhỏ các nhà đầu tư “chôn hàng” từ lâu, khó cầm cự buộc phải bán tháo. Họ rao bán với mức giá thấp hơn 10-15% so với giá đã mua cách đây hơn 2 năm. Tuy nhiên, thời điểm này những người mua vào có thể “ép” giá xuống còn 60-65%. Điển hình như lô đất tái định cư mà tôi vừa xuống tiền cách đây không lâu với giá 4 tỷ đồng, 200m2, nằm ngay mặt đường lớn, sát biển. Vào năm 2018, mức giá của lô đất này là 7 tỷ đồng” – ông Nam cho biết.
Lý giải về quyết định rót nhiều vốn vào thị trường Bắc Vân Phong, ông Nam nói, đa phần nhà đầu tư xuống tiền bởi 2 nguyên nhân. Thứ nhất là kỳ vọng tiềm năng sẵn có của Bắc Vân Phong khi thông tin nơi đây đang được quy hoạch trở thành Khu kinh tế ven biển. Mặt khác, Bắc Vân Phong rất có tiềm năng về du lịch với cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ. Ngoài ra, thông tin tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn tài trợ 5 triệu USD làm quy hoạch khu vực này cũng là động thái khiến các nhà đầu tư tin tưởng vào thị trường Bắc Vân Phong.
Thứ hai, do một bộ phận nhà đầu tư không thể chờ đợi sóng mới nên họ buộc phải bán rẻ và đây chính là cơ hội cho nhà đầu tư có tiền.
Một động thái khác mà ông Nam chia sẻ, do kỳ vọng về tiềm năng tăng giá mà nhiều nhà đầu tư sẵn sàng hạ giá đất để gom tiền ôm mảnh đất to và đẹp hơn. “Ví dụ như mảnh đất 4 tỷ đồng tôi vừa mua từ một nhà đầu tư đã từng mua 7 tỷ. Họ cần tiền và có chiến lược mới nên bán rẻ lại, để dồn vốn vào mua lô rất lớn. Đáng chú ý một bộ phận nhà đầu tư có nguồn lực tốt vẫn đang yểm hàng để chờ đợi sóng địa ốc trở lại”.
Một nhà đầu tư khác tại Bắc Vân Phong cũng chia sẻ, hơn 2 năm trước đã từng xuống tiền tại lô đất ở xã Đại Lãnh (Bắc Vân Phong) với mức giá 1 tỷ 8. Sau đó, có khách trả tới 2,5 tỷ nhưng nhà đầu tư này không bán. Và đến hiện tại, khách đang trả giá 1,6 tỷ song nhà đầu tư không chấp nhận cắt lỗ vì niềm tin trong tương lai, mảnh đất này sẽ tăng giá.
Theo Nhịp sống kinh tế